Chi tiết bài viết
Mua đất bằng giấy tay được cấp 'sổ đỏ'
Nghị định 01 cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay từ ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.1.2008 được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận (GCN) hay còn gọi là “sổ đỏ”.
Tại Hội nghị triển khai hướng dẫn Nghị định 01 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai do UBND TP.HCM tổ chức ngày 20.2, hàng loạt quy định mới gỡ vướng cho người dân trong việc cấp giấy chứng nhận, đặc biệt với những trường hợp mua nhà đất bằng giấy tờ tay.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thì đây là nghị định được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu trên cơ sở rà soát, tổng hợp những bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành luật Đất đai tại các bộ, ngành, địa phương trong hơn 2 năm qua.
Cụ thể, Nghị định 01 cho phép những trường hợp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay từ ngày 1.7.2004 đến trước ngày 1.1.2008 được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận (GCN) hay còn gọi là “sổ đỏ”. Trước đây chỉ cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đến trước ngày 1.7.2004 được cấp GCN.
Thay đổi trên giúp rất nhiều trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay được hợp thức hóa. Đơn cử, theo thống kê tại TP.HCM, trong số hơn 30.000 trường hợp không được cấp GCN thì có đến 70% hồ sơ liên quan đến vấn đề mua bán nhà đất bằng giấy tay. Vì vậy, khi Nghị định 01 có hiệu lực (từ ngày 3.3 tới) sẽ giúp những trường hợp này có GCN. Không chỉ thế, nghị định lần này cũng cho phép Sở TN-MT được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp GCN trong trường hợp đăng ký biến động đất đai, cấp đổi, cấp lại GCN… Thời gian qua, việc Sở TN-MT phải “ôm” trọn khiến việc cấp GCN bị đình đốn nghiêm trọng, dẫn đến rất nhiều trường hợp bức xúc, khiếu nại như tại TP.HCM.
Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận
Một trong những nội dung được rất nhiều ý kiến hoan nghênh là việc rút ngắn thủ tục hành chính trong Nghị định 01. Theo đó, đa số thủ tục được rút ngắn từ 1/3 đến 1/2 thời gian thực hiện so với trước đây. Ví dụ thủ tục đăng ký, cấp “sổ đỏ” cho cá nhân và tổ chức tối đa 15 ngày so với quy định cũ 30 ngày; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản... thực hiện không quá 10 ngày so với quy định hiện hành không quá 15 ngày; cấp lại “sổ đỏ” bị mất không quá 10 ngày so với quy định hiện nay không quá 30 ngày; giảm tối đa 15 ngày xuống còn 10 ngày với thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính...
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, cho rằng quy định mới sẽ giúp rút ngắn thời gian cấp GCN cũng như giúp giảm tải cho Sở. Tuy nhiên, với thủ tục cấp GCN cho trường hợp biến động do mua bán, sang nhượng, cho tặng của người dân... vẫn còn “tắc” bởi người dân được chọn hai hình thức là cấp mới hoặc ghi biến động lên trang 3, 4. Hai hình thức này có giá trị ngang nhau nhưng hình thức ghi biến động sẽ do UBND quận, huyện thực hiện còn cấp mới phải lên Sở.
Trong khi đó, người dân vẫn “chuộng” việc cấp mới GCN hơn nên có thể sẽ quá tải trong thời gian đầu. Việc cấp “sổ đỏ” trong một số trường hợp có thể sẽ ủy quyền cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận huyện thực hiện nhưng Sở vẫn phải rà soát lại và mang về đóng dấu… nên không giảm tải được bao nhiêu.
Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), cho biết sau khi luật Đất đai 2013 ban hành, Bộ TN-MT sau hơn 1 năm đã tiến hành khảo sát đánh giá, làm việc với các địa phương xem trong quá trình tổ chức thi hành có những vấn đề gì vướng mắc, nảy sinh. Đến nay những vướng mắc cơ bản trong nghị định đã giải quyết được và có tính khả thi cao.
Trong đó tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm; cấp GCN (đặc biệt là một số giấy tờ trước đây chưa đưa vào tháo gỡ); bổ sung các quy định cụ thể về các quyền cho người thuê tài sản khi thuê đất trả tiền hằng năm; chế độ cho đất cho các tổ chức kinh tế cho thuê để sản xuất; cải cách các thủ tục hành chính; giá đất; bồi thường hỗ trợ tái định cư. Hiện Bộ đang lấy ý kiến để ban hành thông tư hướng dẫn nghị định này cũng như các vấn đề chưa hoàn thiện sẽ đưa vào trong thông tư để giải quyết hết nhằm tháo gỡ triệt để những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết từ khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực, TP đã gặp phải nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi, nhất là vấn đề cấp GCN và đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. Trong đó, nhiều kiến nghị đã được Bộ TN-MT ghi nhận và có sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 01. Điều này đã tạo rất nhiều thuận lợi cho TP trong việc quản lý đất đai và tháo gỡ được nhiều vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp TP.
Được nhận xét là đã khá thông thoáng, nhưng theo nhận định của một cán bộ Phòng TN-MT H.Củ Chi (TP.HCM) tại hội nghị, đã rất nhiều lần luật mở cho các trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay được hợp thức hóa, tuy nhiên việc mở này vẫn còn “nhỏ giọt”.
“Nên mở luôn bằng cách cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đến ngày 1.7.2014, khi mà luật Đất đai có hiệu lực được cấp GCN. Người dân cũng đã mua đất bằng chính tiền tự tích lũy, đất cũng phù hợp quy hoạch rồi thì nên cho họ đóng tiền sử dụng đất để hợp thức hóa chứ không nên hạn chế. Điều này vừa giúp nhà nước có thể thu được thuế, tiền sử dụng đất vừa giúp việc quản lý đất đai, xây dựng được dễ dàng hơn. Đặc biệt giúp người dân mua bán nhà đất bằng giấy tờ tay có được chỗ ở, miếng đất hợp pháp để làm ăn, ổn định cuộc sống”, vị cán bộ trên nói.
(Theo thuvienphapvien)